31/03/2015

TS Lê Đăng Doanh: Nợ công VN cao hơn ADB cảnh báo

Bích Ngọc


Nhiều chuyên gia cảnh báo
cần có cái nhìn đúng
về nợ công của Việt Nam
 Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) dự báo nợ công Việt Nam có thể lên 60% GDP vào năm 2016. Phát biểu tại buổi họp báo cập nhật tình hình phát triển kinh tế sáng 24/03, chuyên gia kinh tế ADB Dominic Mellor cho rằng Việt Nam có thể đối mặt với những rủi ro về nợ công khi thâm hụt ngân sách dự báo sẽ mở rộng hơn.

"Giả định rằng nếu thu ngân sách thấp hơn kế hoạch, Chính phủ sẽ lựa chọn tăng thâm hụt ngân sách hơn là cắt giảm chi tiêu. Theo kịch bản đó, nợ công đến cuối năm 2016 có thể tăng đến 60% GDP", ADB cho hay.




Nhận định này được đưa ra dựa trên bối cảnh việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế cho các doanh nghiệp ưu tiên, dỡ bỏ hàng rào thuế quan theo cam kết nhập khẩu và giá dầu giảm sẽ tác động bất lợi đến nguồn thu của Việt Nam. Trong khi đó, chi đầu tư dự báo tăng gần 20% sau hai năm giảm, chi thường xuyên cũng dự kiến sẽ tăng 10%, chi cho y tế tăng và giáo dục tăng 11% và 5%.

Bình luận với Đất Việt về con số mà ADB đưa ra, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương cho rằng đây là con số đáng tin cậy.

Tuy nhiên TS Doanh cũng đưa thêm thông tin rằng có thể mức nợ công còn cao hơn như thế vì cách tính hiện nay của Việt Nam đang có rất nhiều vấn đề.

Thậm chí TS Lê Đăng Doanh còn quan ngại con số thực đã vượt xa con số an toàn là 65% GDP.

"Tôi đã nhiều lần nói rằng nợ công đang tăng rất nhanh. Tỷ lệ ngân sách dùng để trả nợ công sang năm 2015 khoảng 282.000 tỷ đồng, tương đương 31% tổng thu ngân sách. Trong khi chi thường xuyên ngân sách khoảng 72%. Cộng lại là hơn 100% tổng thu ngân sách. Rõ ràng là không còn đồng nào để đầu tư. Điều này thật nguy hiểm!", ông Doanh nói.

Tuy nhiên theo báo cáo của Chính phủ, nợ công đến cuối năm 2013 bằng 54,2% GDP và tiến gần ngưỡng 60% GDP vào cuối năm 2014.

Ý kiến của các thành viên Chính phủ cho rằng, nợ công Việt Nam vẫn thấp hơn mức 65% GDP - ngưỡng an toàn theo chuẩn quốc tế Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 quy định nợ công đến năm 2020 không quá 65% GDP, trong đó nợ Chính phủ không quá 55% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

Mặc dù vậy mới đây Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công.

Thủ tướng yêu cầu phải quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới, tính đúng tính đủ nợ công theo quy định, đảm bảo trong giới hạn cho phép. Nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình kinh tế xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch.

Ngoài ra nhiều biện pháp để 'trị bệnh' lãng phí cũng được Thủ tướng đề cập tại Chỉ thị này. Trong đó sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, đây là việc làm cần thiết buộc phải thực hiện.

"Ngoài ra Chính phủ cần phải có một chiến lược cụ thể về việc xem xét vay và trả nợ thế nào? Nguồn vay hình thành nợ công đang có thời hạn quá ngắn, áp lực trả nợ là rất sớm và rất lớn.

"Vì vậy, cần phải công bố rõ ràng các khoản nợ, lãi suất để toàn xã hội thấy rõ và cùng hành động. Hiện chúng ta đang vay đảo nợ. Đó là tình hình rất xấu", ông Doanh nhấn mạnh.

Bích Ngọc

Nguồn: Theo Báo Đất Việt

Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire