19/02/2015

40 năm và ước nguyện mùa Xuân


 

Nguyệt Quỳnh



"Đầu năm là thời điểm linh thiêng để mỗi chúng ta cùng nhìn lại một đất nước gấm vóc, một dân tộc oai hùng qua bao thời đại; để cùng nhau vực lại niềm tin và nhất định sống đúng với lương tâm và ước nguyện. Xin hãy hoà cái Tôi vào cái Chúng Ta. Xin chúc từng người Việt Nam chọn được bước đi cho mình trong năm mới, trong dòng người khao khát tạo đổi thay, để quê hương chung của chúng ta sớm trở thành một nơi chốn thực sự đáng sống."
 


Và mùa xuân không còn
Những nỗi đau thầm nữa…

                (Mùa Xuân – Tagore)

 
Bước vào những ngày đầu năm 2015, chuyện những kẻ khủng bố bịt mặt xả súng bắn vào toà soạn Charlie Hebdo gây nên cái chết cho 12 người bao gồm hai cảnh sát và mười nhà báo, trong đó có những hoạ sĩ biếm hoạ tài danh đã làm rúng động cả nước Pháp. Tuy rằng không phải ai cũng tán thành tính khiêu khích của tạp chí châm biếm Charlie Hebdo; nhưng từ vụ thảm sát này, thái độ của người dân Pháp và cách hành xử của các vị lãnh đạo thế giới đối với quyền tự do ngôn luận đã tạo nên niềm tin và một hình ảnh đẹp đẽ nhất của những ngày đầu năm.

Ngày 11/01/15 tức là bốn ngày sau vụ thảm sát, gần 4 triệu người dân Pháp đã tham gia cuộc tuần hành được coi là quy mô chưa từng có trong lịch sử nước Pháp. Cuộc tuần hành còn lớn hơn cả lễ mừng giải phóng Pháp khỏi tay Hitler năm 1944. Rõ ràng trong cái thế giới có vẻ như rời rạc ngày nay, bật lên một sự thật là tất cả chúng ta đều có mối liên hệ rất mật thiết với nhau từ niềm mơ ước riêng tư cho đến nỗi khát khao về cái đẹp, về tự do, nhân bản, về điều đúng, điều thiện… Khắp nơi trên thế giới, người ta đã tụ họp nhau lại để tưởng niệm những người đã nằm xuống, để lên án những hành động khủng bố và bày tỏ sự ủng hộ đối với nước Pháp. Nhiều biểu ngữ, băng rôn đã ghi câu: Je suis Charlie (Tôi là Charlie). Một bé gái đi trong đoàn tuần hành còn giương cao tấm biển với hàng chữ "Khi lớn lên con sẽ trở thành nhà báo".

Đám đông khổng lồ đó đã được dẫn đầu bởi hơn 40 vị lãnh đạo thế giới. Hình ảnh họ khoác tay nhau tuần hành cho Charlie hẳn đã làm nhiều người Việt Nam xúc động khi nghĩ đến hoàn cảnh đất nước mình. Dù ở những địa vị lãnh đạo đầy quyền lực như Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Ý Matteo Renzi… Thái độ của họ thể hiện sự yếu đuối, nhỏ bé, cùng sự cần thiết có nhau của con người trước bạo lực! Nhưng mặt khác, họ cũng nói lên sự mạnh mẽ phi thường của ý chí con người trước họng súng. Họ không đến đó, đứng đó cho dân họ. Họ đứng cho những con người yếu đuối, sợ hãi, cô thế trên những phần đất tăm tối của quả đất; nơi con người còn bị ngự trị bởi khủng bố, bởi các chế độ độc tài.

Cách đây ít năm, Ls Lê Quốc Quân, Bs Phạm Hồng Sơn và một vài người bạn của các anh cũng đứng khoác tay nhau như thế ở ngã ba Triệu Quốc Đạt - Hai Bà Trưng, trên con đường dẫn tới phiên toà xử Ts Cù Huy Hà Vũ. Trước mặt họ là hàng trăm công an mặc sắc phục và thường phục, phía sau họ, khi ấy không có đám đông nào hết, không một ai… nhưng họ vẫn đứng, khoá chặt tay vào với nhau. Dũng cảm và đơn độc!

Ngày hôm nay, sau lưng Lê Quốc Quân, Nguyễn Ngọc Già, Hồng Lê Thọ, Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Quang Lập… cái khoảng trống ấy đang dần dần được lấp đầy. Những đốm lửa đã nhen nhúm gọi nhau thành ngọn lửa. Tôi cảm nhận tận đáy lòng điều Lê Quốc Quân nhắn với bạn hữu anh từ trại giam An Điềm: “ngồi trong này nhận được thiệp hoặc thư của ai thì đọc mà nhớ luôn cả mặt chữ”. Đôi lúc hoạn nạn, đơn độc, hạnh phúc không hẳn là những điều gì to lớn, mà chỉ cần có nhau. Chỉ cần biết rằng ở ngoài kia mình có bạn bè, đồng đội; những việc mình làm, sự hiện hữu của mình có ý nghĩa.

Và rõ ràng dù con đường trước mặt còn chìm trong bóng đêm, nhưng đồng đội của các anh đang sẵn sàng cùng nhịp bước trong màn đêm đó. Đây là những món quà vô giá cho người tù: sau lưng Nguyễn Quang Lập, hàng loạt những blogger cùng lên tiếng sẵn sàng bị bắt theo điều 88; sau khi Nguyễn Hữu Vinh bị bắt, Blog Anh Ba Sàm vẫn tiếp tục hoạt động, … Và đặc biệt đối diện với những trấn áp từ việc dồn dập bắt giam các anh, phong trào "Tôi không thích ĐCSVN" đã thành hình. Từng khuôn mặt blogger xuất hiện mỗi ngày trên các trang mạng xã hội, mạnh mẽ, công khai, bất chấp các hù dọa của điều 88.

Các nhà hoạt động ngày nay đã không cô đơn, không bị bỏ rơi như thời Nhân Văn Giai Phẩm, thời Xét Lại Chống Đảng… Ngược lại, bản thân và gia đình họ được chăm sóc, được bảo bọc yêu thương. Trong một bức thư gửi cho em trai là tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu, anh Đặng Xuân Hà viết : "Em ạ, kể từ tháng 10 đến nay mọi người ở khắp nơi đều rất quan tâm tới em và Mẹ. Điều đó làm Mẹ và mọi người trong nhà rất vui, khiến mẹ đỡ yếu nhiều".

Nếu thế giới sẽ nhớ mãi về Charlie và biến cố những ngày đầu năm 2015 thì người dân Việt Nam cũng sẽ nhớ mãi mốc điểm thời gian này. Ai cũng khao khát được sống, nhưng trước khủng bố và sự huỷ diệt, con người đã làm điều tốt nhất để sự sống được thăng hoa, để cuộc sống đáng sống! Những nhà văn, những hoạ sĩ biếm hoạ đã biến mình thành nhân vật trong một bức tranh đẹp đẽ, nhân bản của  nhân loại. Cũng cùng lúc đó, trong bóng tối của bạo lực, những người dân Việt Nam nhỏ bé, cô thế, sợ hãi cũng đang nương nhau đứng dậy. Mặc dù chưa có được đám đông đáng kể, nhưng những con người “tay không” này đã chứng tỏ được sức mạnh của mình. Họ thực sự đang làm chế độ lo sợ. Ông Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã phải thừa nhận:

 “Một chế độ muốn tồn tại thì phải được sự ủng hộ của người dân. Hiện nay các thế lực chống đối đã tuyên truyền và chiếm được trái tim khối óc của hàng triệu người, thì nguy cơ đối với chế độ là có thật”.
 
Dù vậy, chúng ta có thay đổi được hiện trạng của đất nước mình hay không còn tuỳ thuộc vào sự sáng suốt và chấp nhận hy sinh của mỗi người. Chỉ một hành động man rợ của kẻ khủng bố đã làm thế giới phải sát vai đứng cùng nhau; trong khi phải đối đầu với một chế độ bạo lực, nham hiểm, đâu đó trong hàng ngũ những người đấu tranh hôm nay vẫn còn thấy những ngại ngùng, chia cách. Bốn mươi năm - con số thời gian kể từ ngày cả nước phải sống dưới bóng độc tài - như vô tình chợt làm chúng ta thấm thía nỗi đau. Bốn mươi năm! liệu đất nước và những thảm hoạ trước mắt có đủ vực dậy mỗi con dân Việt? Có xoá tan được cách ngăn và có đủ làm nên chất keo đoàn kết cần thiết không?
 
Giờ này, những người bạn của chúng ta, những tù nhân lương tâm đang nghĩ gì trong những giờ phút thiêng liêng của ngày đầu năm sắp đến? Chắc hẳn bên cạnh nỗi nhớ nhung gia đình, nỗi thương nhớ vợ con là những thời khắc đối diện với chính mình, với hương hồn cha ông, với tổ tiên đất nước. Sẽ không có nén nhang nào được họ thắp lên giữa đêm giao thừa năm nay trong chốn lao tù, nhưng hương khói từ những nén nhang tâm thành giữa lòng họ có kết nối  được những tấm lòng Việt Nam. Không một ai muốn phải mất mát hay hy sinh, nhưng dường như tất cả nhân loại đều nhận thức ra rằng: Chỉ trong những giai đoạn đen tối và khi cùng gánh vác trách nhiệm với nhau, người ta mới thấy tỏa sáng những phẩm chất cao quí của chính mình và những người bạn đồng hành.

Đầu năm là thời điểm linh thiêng để mỗi chúng ta cùng nhìn lại một đất nước gấm vóc, một dân tộc oai hùng qua bao thời đại; để cùng nhau vực lại niềm tin và nhất định sống đúng với lương tâm và ước nguyện. Xin hãy hoà cái Tôi vào cái Chúng Ta. Xin chúc từng người Việt Nam chọn được bước đi cho mình trong năm mới, trong dòng người khao khát tạo đổi thay, để quê hương chung của chúng ta sớm trở thành một nơi chốn thực sự đáng sống.


Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire