11/06/2013

HẠ ĐÌNH NGUYÊN: THÀ BỊ GIẾT CHẾT CHỨ KHÔNG TỰ CHẾT

HNC: Tôi đã rơi nước mắt khi đọc lá thư dưới đây của anh Hạ Đình Nguyên, một cựu tù Côn Đảo, gởi cho luật sư Cù Huy Hà Vũ đang tuyệt thực trong tù.

Tâm sự của người không quen biết gởi tù nhân Cù Huy Hà Vũ: Thà bị giết chết chứ không tự chết

Hạ Đình Nguyên 

Theo dõi trên mạng, tôi biết không nhiều về cuộc đấu tranh của anh, nhưng khi đọc thư tuyệt mệnh của anh về cuộc tuyệt thực mà anh đang tiến hành trong tù, tôi thật sự xúc động.

Vì là người cũng đã trải qua tù đày, nên tôi hiểu và tin lời lẽ trong thư của anh, anh rất quyết liệt với hành động tuyệt thực này. Tôi lo cho anh quá, và khá buồn vì nhiều lẽ.

Tôi mạo muội có đôi lời chia sẻ cùng anh.


Chắc anh đã từng nghe nói về cảnh tù tội trong Nam đối với những người kháng chiến “chống Mỹ cứu nước” của một thời gian khổ Mặt trận Giải phóng Miền Nam, mà tôi cũng là một thành viên bé mọn trong ấy. Tôi có trải qua nhưng cũng không thể nào biết hết các kiểu đau thương của cái gọi là tù tội, tuy có thể tạm biết thế nào là hậu quả của chiến tranh, một cuộc đọ sức có tính chất định mệnh, và những gì ở bên dưới các chiến thắng, dù là chiến thắng của phía nào. Tôi nghe nói về những cách tra tấn, cách giam cầm hết sức khủng khiếp của chế độ Miền Nam vào thập niên 1955-1965. Nhưng sau đó, tôi có trải qua “thực nghiệm” nên có vài ghi nhận, theo cái biết của mình, một số điều sau đây.

Khi tôi vào tù, thì “chế độ tù” được mô tả ở giai đoạn trước1965, nay đã có phần thay đổi, có cải tiến khá hơn, so với thời Ngô Đình Diệm. Tôi có hưởng được chế độ tù cải tiến ấy, không nghiệt ngã như giai đọan trước. Nhưng vì lý do gì đưa đến sửa đổi này? Do sự đấu tranh của người tù? Do sự quan tâm và áp lực của dân chúng? Do sự “tự tiến bộ” của nhà cầm quyền lúc ấy? Tôi không tin nhiều về lý do thứ ba. Hay là do sự hiện diện trực tiếp nhiều hơn của người Mỹ, từ khi họ ào ạt đổ quân vào Việt Nam từ 1965 trở về sau? Tôi không quá ngây thơ để tin rằng “Đế quốc Mỹ” là thuần khiết tốt với Việt Nam, hay “vì Việt Nam”. Họ vì chiến lược chống Chủ nghĩa Cộng sản bành trướng, họ nghĩ thế, và muốn có một cơ chế xã hội ở miền Nam tương đối giống họ, nằm trong khung Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, với lý tưởng của Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền. Họ muốn có một xã hội Miền Nam có tự do, dân chủ và phát triển để người dân không theo Cộng sản, họ nghĩ thế. Họ lật đổ nhà Ngô vì cho là độc tài không chinh phục được lòng dân. Họ làm nhiều việc để nâng tầm chế độ ấy lên, tuy kết quả toàn cục không đến đâu, nhưng riêng về chế độ lao tù có nhiều cải tiến. Năm 1970, một phái đoàn Nghị sĩ Mỹ qua Việt Nam điều tra và tố cáo chế độ hà khắc ở nhà tù Côn Đảo, sau đó, chế độ “chuồng cọp” khốc liệt nhất tại đây bị bãi bỏ (Tôi chỉ nêu một thí dụ sơ sài, trong phạm vi bức thư này).

Về sự tra tấn tù nhân và chế độ giam giữ tù nhân

Tôi thấy có một vài cách biệt đáng nói.

- Điều tra, tra tấn

Ngành an ninh điều tra của họ có nhiều phương pháp và thủ thuật tra tấn rất dã man, nhất là đối với đối tượng Cộng sản mà họ “đặt ra ngoài vòng pháp luật” theo Hiến pháp của họ. Họ nhằm vào tra tấn thể xác với nhiều đòn tàn độc, cũng uy hiếp và trấn áp tinh thần, cũng tấn công vào tình cảm thiêng liêng của người thân, với mục đích moi thông tin từ đối tượng cho bằng được. Họ rất cần chứng cứ. Chứng cứ thật sự đối với họ là quan trọng, vì họ phải ứng xử, đối phó với thanh tra ngành, với cấp trên, với tòa án, với báo chí, với các phe nhóm khác, bởi Miền Nam lúc bấy giờ đã bước đầu hình thành một xã hội công dân, với thiết chế chính trị cơ bản là Tam quyền phân lập, dù không thể nói là hoàn hảo. Đối với đối tượng chính trị được cho là “nguy hiểm”, tuy cấp trên có thể cho phép họ tra tấn đến chết nhưng xác định người nào được giao quyền này, chứ không phải ai cũng có quyền đánh, có quyền tra tấn, có quyền hành hạ tù nhân. Và khi tra khảo, họ không căm thù “con người”, mà căm tức cái đầu của đối tượng, cái niềm tin lý tưởng ở trong đó mà họ không hiểu nổi, không cảm hóa được, nên họ gọi đối tượng ấy là “bị tẩy não”. Nhưng sẩy tay, sai người, sai quy định lập tức bị cách chức, hạ cấp bậc, thi hành kỷ luật theo luật định, không có sự thu xếp tự bên trong; họ không dám hành xử cẩu thả do không có sự độc quyền lãnh đạo của một đảng nào. Họ rất dè dặt với dư luận quần chúng, rất ngại giới báo chí, rất sợ các cơ quan lập pháp (Nghị sĩ, Quốc hội) và cơ quan Tư pháp (Tòa án các cấp). Ví các cơ quan này độc lập với cơ quan Hành pháp, theo Hiến pháp quy định. Cũng có những hiện tượng chạy chọt qua mối thân quen, hoặc đút lót tiền bạc, để cứu vớt những đối tượng bị bắt có chứng cứ mơ hồ. Nhưng đối với tù chính trị có bằng chứng thì khó thoát.

Sau khi qua giai đoạn điều tra, tra tấn, kết cung ra tòa án, họ trở thành người tù chính thức thì có quy chế cho tù nhân khá rõ ràng. Họ có quy chế riêng về tù binh, về tù chính trị, về tù dân sự. Người tù bị mất quyền công dân, chứ không mất quyền làm người. Trong tù, không bị đánh đập, nhục mạ về nhân phẩm, không bị thù hằn, không bị biệt lập với gia đình. Nhưng đối với tù đặc biệt, như tù ở Côn đảo thì khó có chế độ thăm nuôi thường xuyên và nhiều hạn chế mối quan hệ xã hội. Đối với tù dân sự, thì không có sự hà khắc đặt biệt nào, càng không có chuyện người chết khơi khơi, hoặc chết thình lình trong đồn công an, khi bị “lịch sự” mời đến làm việc, bởi vi phạm nào đó, như không đội mũ bảo hiểm, chọc gái, gây lộn, ăn cắp, trộm chó, hoặc vì một sự kiện xung đột nào đó, v.v. Cái hỗn độn kiểu này ngày ấy hiếm có, dù là thời ấy đang chiến tranh, mà thời nay là hòa bình gần 40 năm.

Anh Hà Vũ,

Anh làm luật sư, chắc anh biết rành về chuyện này, thật đáng phẫn nộ!

Ở xã hội miền Bắc trước 75, tội về chính trị, sai quan điểm hay lập trường thế nào đó, không bị đánh đập dã man như “Đế quốc”, mà chỉ “nhẹ nhàng” đi “cải tạo” lâu dài, hay suốt đời ở xó xỉnh nào đó, bị cô lập không được giao du với ai, “tự do” bươi kiếm cái ăn, trong một xã hội mà thực phẩm thì được phân phối và quản lý chặt chẽ. Hoặc biện pháp cô lập tại chỗ với nhiều hình thái khác nhau, từng bước giảm nguồn lương thực, giảm thiểu dần đến số không, kể cả nước uống, cho đến lúc “tự chết”, chứ không ai mó tay vào. Đối với người tù, xã hội vẫn còn đó, nhưng không chạm được vào tay, cô độc như ở trong một cảnh giới khác. Người ta hãi hùng về hai chữ “cô lập”. Sống mà là đang chết, mà sau cùng chết theo cách khốn cùng của một con vật, chứ không còn là con người, nghiệt ngã thảm thương như chuyện bên Tàu, chắc anh rõ, như chuyện Chủ tịch nước Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ, là điển hình cho hàng vạn, hàng triệu con người. Cách giữ tù mà không cần nhà tù cố định, mà trong một không gian vô định, và thời gian vô định, xã hội và người thân không biết được, kể cả bản thân người tù. Đó được gọi là “nhà tù kín” mà ngày nay còn đang hiện diện nhiều ở Trung Quốc.

Miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã từng theo mô hình ấy.

Cách nào tàn độc, đau đớn, tinh vi hơn cách nào? Cách nào là sự thù hận “con người”, cách nào là bảo vệ luật pháp?

Tôi tin là thời kỳ khủng khiếp đó không còn nữa.

Những thế hệ đi trước đã để lại những dấu vết khó phai.

Nhưng ngày nay chúng ta có một chế độ lao tù rõ ràng hơn không, và sinh mạng tù nhân có được bảo vệ bởi luật pháp? Và ai có thể biết những gì xảy ra trong tù? Mọi việc chỉ có Đảng làm, Đảng biết, và Đảng xử lý. Cái ghế của Đảng ngồi có phép thuật, như Tề Thiên Đại Thánh có thể biến thành trăm vạn cái ghế khác mang nhiều khuôn mặt khi cần. Người dân mà còn bị cô lập từng cá nhân đơn lẻ (không cho tụ họp) thì nói chi đến người tù!

-   Chức năng người giữ tù

Trong nhà tù, tù nhân được “tự do” trong khuôn khổ được quy định của mỗi loại tù. Chức năng của trại tù và người giữ tù được quy định, có vai trò quan trọng trong cách xử sự.

Người giữ tù, với tư cách là một viên chức, họ phải hành xử theo quy định của luật pháp. Không có vấn đề tư tưởng, tôn giáo, chính kiến, chủ nghĩa, hay các thứ khác dính vào đây. Họ không có trách nhiệm và không có tư cách để giáo dục, dạy dỗ ai cả, về cái gì cả cho tù nhân. Họ không có quyền đánh đập, hành hạ tù nhân, truy bức tư tưởng, triệt hạ nhân cách, khủng bố tâm lý. Họ chỉ có một chức trách là giữ đúng quy chế của trại tù. Nhà tù có thể tạo điều kiện cho tù nhân được thỏa mãn một số nhu cầu tinh thần và vật chất mà không trái với luật pháp. Tùy theo điều kiện khách quan của từng nơi, họ cho phép tù nhân có thể tiến hành những nghi lễ tôn giáo, như xưng tội, cầu nguyện, lạy Phật, đọc kinh… Người giữ tù phi chính trị trong vai trò của mình. Cá nhân người giữ tù có thể có lập trường chính trị, theo đảng phái hay tôn giáo nào đó là chuyện riêng, không liên quan đến chức năng trong công việc mà họ được giao phó. Vì thế, người giữ tù cũng có được sự “tự do” theo nhân cách của mình, không bị o ép phải hành động theo xu hướng nào, ngoài quy chế của trại tù. Dĩ nhiên cũng có tiêu cực vặt vãnh trong những chuyện vặt vãnh đời thường khó tránh khỏi. Đôi khi cũng có sự lạm quyền, hà khắc do cá nhân và tư cách của anh trưởng trại tù nào đó khi chưa bị phát hiện.

Đặc biệt, đối với tù chính trị, người giữ tù thường tôn trọng về mặt tinh thần hơn đối với tù hình sự như du côn, cướp giật, hiếp dâm. Vì dù sao, người tù chính trị, cũng vì việc chung của xã hội, dù khác chính kiến với nhà cầm quyền, vẫn ở hệ giá trị cao hơn. Tù chính trị Cộng sản vẫn có một quy chế rõ ràng, nghĩa là có luật pháp bảo vệ, dù bị “đặt ngoài vòng luật pháp” như Hiến pháp của họ quy định.

Ngày nay, Điều 4 Hiến pháp là cái gốc rễ căn bản có thể xóa nhòa mọi ranh giới.

Chức năng người giữ tù cũng giống chức năng của quân đội. Người thanh niên bước chân vào quân ngũ, có hai điều phải thực hiện: hệ thống kỷ luật của quân đội, và không được phản quốc, tức là trung thành với Tổ quốc, một khái niệm chung không cụ thể, có tính chất tượng trưng và thiêng liêng. Nhân sinh quan là thuộc quyền của mỗi người. Nhưng Điều 4 Hiến pháp là gốc rễ để biến Đảng thành “Thượng Đế”, có thể đặt “ngoài vòng luật pháp” mọi thứ mà Đảng muốn.

Anh Hà Vũ quý mến,

Anh có tin rằng chế độ lao tù trong xã hội ta đang sống có hà khắc không? Sẽ được cải tổ để tốt hơn không? Tôi tin rằng có, nhưng không biết đến bao giờ! Sẽ do áp lực của quần chúng nhân dân và áp lực quốc tế, và có sự “tự chuyển biến” theo hướng tiến bộ của nhà cầm quyền?

Thời gian là quả thật vô định.

Tôi lo cho anh.

Anh Hà Vũ, anh là người tù thuộc loại nào?

Anh lớn lên trong lòng chế độ, có truyền thống yêu nước từ Ông Cha, và anh đã tiếp nối con đường ấy.

Tôi nghĩ, anh không đứng trong một tổ chức chính trị hay đảng phái nào khác, anh còn là một trí thức trưởng thành trong chế độ này – Tiến sĩ, Luật gia. Anh đấu tranh cho sự tiến bộ xã hội về dân chủ, về luật pháp và nóng lòng với giặc ngoại xâm, với phương thức hòa bình, bất bạo động. Thế rồi anh bị bắt, bị xử tội về sự khác chính kiến, theo cách không sòng phẳng và trở thành người tù. Bản án của anh làm dư luận rộng rãi bất bình, và dành cho anh nhiều chia sẻ, cảm mến và kính phục.

Tôi cho đó là hạnh phúc của người đấu tranh.

Bản án của anh, được tiếp nối những bản án khác, cùng với sự đàn áp liên tục những người biểu tình, chỉ để bày tỏ sự bất bình về hành động xâm lược của Trung Quốc đang chiếm đóng biển đảo và bức hại ngư dân.

Đất nước đang đứng trước tình thế khó khăn bởi sự đe dọa chủ quyền, Nhà nước lại tự mình làm khó khăn thêm bằng những biện pháp không thích đáng, mất lòng dân, gây phẫn nộ, nó đang báo hiệu một tương lai đi xuống, chứ không “đi lên” đâu cả. Dân chúng cũng không chịu nổi như anh, mà đang ráng chịu, cũng đang quằn quại như anh, vì các chữ Độc lập – Tự do – Hạnh phúc có từ Tuyên ngôn Độc Lập vào mùa Thu năm 1946, mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã long trọng hứa hẹn.

Chừng nào mà Hiến pháp được thay đổi theo hướng dân chủ, tiến bộ hơn, phù hợp hơn, không còn toàn trị, hơi thở của trí tuệ nhân dân được tôn trọng, thì lúc ấy mọi sự sẽ khác đi, quyền sống của tù nhân cũng được minh định rõ ràng hơn. Nhưng điều đó chưa đến, nó đang được thử thách.

Lời bày tỏ thật tình

Tôi biết đã có bao người như anh, và đang có những người như thế, rất tâm huyết như trong lá thư anh viết, tôi hiểu như một lời tuyệt mệnh, và tôi đang xót xa.

Nhưng có đôi điều tôi suy nghĩ khác, rất chân thành với anh.

Tôi không muốn anh chết, vì không muốn mất đi một người yêu nước, biết đấu tranh cho độc lập, và tiến bộ xã hội.
Tôi muốn anh có cách chấm dứt tuyệt thực.

Không bỏ cuộc, không đầu hàng trong ý chí của mình, và anh cần giữ mạng sống. Hai điều này không mâu thuẫn nhau.

Tôi đã trải qua nhà lao Chí Hòa, Côn Đảo, học tập những người đi trước, cùng đồng đội chịu đựng qua tra tấn, không đầu hàng, nhưng sau đó nâng niu từng giọt thở, tiết kiệm từng chút năng lượng còn lại để duy trì sự sống, với tâm nguyện dành cho cuộc đấu tranh tiếp tục, lâu dài, trừ khi họ chủ động ra tay giết chết, thì chịu!

Nhưng ở đây, cuộc đấu tranh này là có tính chất nội bộ dân tộc, dù hết sức gay go, nhưng chúng ta cũng không thể hành xử theo cách bạo động. Tôi cho rằng anh đang bạo động với bản thân mình. Ông Gandhi, ông Nelson Mandela đấu tranh bất bạo động, có tuyệt thực để bày tỏ, chứ không tuyệt thực đến chết. Chúa Jesus không khuyên tín đồ của mình tự sát. Đức Phật cũng thế. Trong mọi loại đấu tranh, sự hy sinh là không tránh khỏi, nhưng phải đúng lúc. Vì mạng sống của một con người thật đáng quý. Như Ngài Thích Quảng Đức tự thiêu, là một sự cúng dường cao cả, đã làm bật nút đúng thời điểm cho một sự chuyển động đầy ý nghĩa.

Nhưng chúng ta không thể biến bán cầu não trái của ai đó thay đổi nhanh chóng được.

Những người tù Côn Đảo thuộc nằm lòng những câu thơ này:

Thân anh, anh bắc nên cầu

Để mai em bước lên lầu Tự do.

Nhưng hàng hàng lớp lớp đã trải thân ra bắt cầu, cầu vẫn chưa xong mà ngày mai thì vẫn ở tận chân trời. Bao người đã ra đi, đã chết trong giấc mơ đẹp mà đau của mình, đáng trân trọng và thân thương biết bao, nó để lại nỗi hoài cảm u uất trong lòng người sống, không thể không xót xa.

Anh Hà Vũ,

Tinh thần đấu tranh của anh được sự trân quý của nhiều người, anh không có ý định lao vào một cuộc đấu tranh “ăn thua đủ” rất không cân xứng này, phải không? Và cũng không xứng đáng với đối tượng là một anh cai tù cấp nào đó? Nhưng họ đang “ăn thua đủ” với anh, vì sự hãnh tiến quyền lực, nó đơn thuần về sức mạnh vật chất, và họ có dư thứ của cải này. Còn anh thì nặng về bày tỏ, cảnh tỉnh, và mục tiêu là sự cảm hóa. Điều này thì anh đã làm được rất nhiều rồi. Trường hợp anh Chí Đức – người bị khiêng như khiêng một con heo, lại bị giẫm giày vào mặt – để làm nhục tính cách “con người” của anh ấy, nhưng sau cùng, anh không phải là người thua cuộc, mà vẫn là con người đàng hoàng tiếp tục đấu tranh hàng ngày, và cũng vì không có mục đích là thua thắng với ai; nhưng đằng kia, ông Đại úy Minh (chứ không phải là Thanh, như anh HĐN đã nhầm) không phải là người thắng cuộc, mà là người “tự thua”, thua trắng, thua đậm và thua vĩnh viễn trong đời sống xã hội, thậm chí thua trong gia đình, trong đầu con cháu và cả trong tâm của ông ta nữa. Thái độ thù hận “con người”, thích hủy hoại “nhân phẩm” của ông ta còn là tấm gương mà đồng đội ông ta đang soi vào.

Anh Hà Vũ,

Anh nên tự tuyên bố chấm dứt cuộc tuyệt thực.

Đây thuần túy chỉ là lời đề nghị.

Nếu họ lùi cho một bước, là anh thắng cuộc sao? Là chẳng phải quyền lực và bạo hành đang lên ngôi đó sao?

Anh không nên phung phí ý chí của anh lúc này và ở chỗ này.

Nếu tôi ở phía quyền lực, tôi sẽ lùi cho anh mười bước, anh sẽ là người thua, tôi mới là người thắng.

“Thắng nhân giả hữu lực. Tự thắng giả cường”

Câu chân lý này đang thích hợp cho cả đôi bên.

Anh cần thực hành đức nhẫn nhục của một người tu sĩ lúc này, để sau đó, có thể cùng mọi người tiếp tục dấn bước trong cuộc hành trình dài hơi của dân tộc. Hãy cứ để cho họ lên ngôi và thưởng thức sự đắc thắng.

Thử xem “lòng tin chiến lược” sẽ đặt ở đâu, nếu không đặt trong lòng nhân dân qua từng sự việc cụ thể này?

Tôi trân trọng và quý mến anh.

Kính nhờ chị Dương Hà chuyển bức thư này đến tay anh Cù Huy Hà Vũ nếu có thể.

Hạ Đình Nguyên, một người Sài Gòn không quen biết.

Ngày 8-6-2013

19 commentaires:

  1. Rất tuyệt ! Đừng để kẻ thù " hãnh tiến !" trước thi thể ta , hãy làm cho chúng khiếp đảm khi ta chết !

    RépondreSupprimer
  2. ĐÚNG ĐẤY, ĐỪNG CHẾT TRƯỚC BỌN VÔ CẢM, CHÚNG CHO SỰ TUYỆT THỰC CỦA ANH LÀ TRÒ TRẺ CON

    RépondreSupprimer
  3. Người Việt Yêu Nước11 juin 2013 à 09:52

    Đọc thư của bác Hạ Đình Nguyên gửi những lời khuyên tâm huyết đến TS Cù Huy Hà Vũ tôi rất xúc động và ủng hộ. Rất mong chị Dương Hà gửi được lá thư này đến tay anh Vũ.
    Chỉ có điều đọc đau xót lắm bác Hạ Đình Nguyên ạ, kinh nghiệm đấu tranh trong tù của bác để đòi Tự Do- Độc Lập, bây giờ lại phải truyền lại cho đàn em và con cháu khi đất nước đã “mang danh” Độc Lập – Tự Do.
    Thôi thì đành bước tiếp vậy.
    Đất Nước ơi.

    Tôi xúc động khi đọc câu thơ này:

    Thân anh, anh bắc nên cầu
    Để mai em bước lên lầu Tự do.

    RépondreSupprimer
  4. Tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến của anh Hạ Đình Nguyên ,nếu bạo lực của kẻ cầm quyền giết mình chết là chuyện khác ,còn mình không bao giờ tự chết mới là dũng cảm ,hảy sống đẻ chiến đấu cho lý tưởng của mình chứ

    RépondreSupprimer
  5. Trước tôi cám ơn anh Nguyên đã có lời trần tình cho anh Vũ , thứ hai tôi có đề nghị 1 công 2 chuyện là anh kết nối tất cả các người tù từ thời của anh đi thẳng ra nhà tù đang giam cầm anh Vũ mà ủng hộ cho anh Vũ.
    Dù có làm được như tôi đề nghị thì họ vẫn cứ giam anh Vũ , nhưng họ sẽ run và từ từ trước sau gì họ cũng tạm tử tế như ho đã tử tế với bà Dương Thu Hương,Trần Khải Thanh Thủy v.v.
    Tuy nhiên, tôi nói lại , nếu nay mai Mỹ hoặc quốc gia nào ở Âu Châu bảo lãnh anh Vũ thì tôi lạy anh đừng có đi, vì,trong lịch sử cho thấy những quốc gia CS trên thế giới và CSVN, mổi lần họ cho tù nhân xuất ngoại là có nghĩa là họ hoàn toàn chiến thắng, chiến thăng thực sự,họ phủi tay, họ tống cổ 1 chướng ngại,nhổ được 1 cái gai.
    Thả anh ra anh nên ở lại , cho thấy thời gian nằm gai nếm mật nầy mà người CSVN ngu dại đã tặng không cho anh ,từ cái" Hilton Hotel"*** nầy khi anh VŨ bước ra ( Xuống núi),thì đất nước dân tộc sẽ được nhờ anh trong thời gian anh luyện thép nầy nhiều nhiều lắm. Nếu anh đi là mới thực sự mất anh.
    Kính

    *** Tù binh Mỹ gọi nhà giam Hỏa lò ở Hà Nội là khách sạn 5 sao Hilton , nói theo cách nói đùa.

    RépondreSupprimer
  6. Tuyệt thực không là cách đấu tranh không phù hợp với bối cảnh hiện tại, anh nên ăn uống để giữ gìn sức khỏe.

    RépondreSupprimer
  7. Tiếp tục tuyệt thực. Chết không từ nan. Không Lùi bước. Không nghe khuyên bậy.

    RépondreSupprimer
  8. Xem ra Mr Nguyên này là người hiểu biết, giỏi giang nhưng rất tiếc cái XHCN lại không có túyp người như anh. họ có những người ngu dốt như Mạnh, Dũng, Hải, Hùng. ...họ không cần tri thức, không cần lương tri, họ cần một bộ máy của TQ, do TQ và vì TQ.

    RépondreSupprimer
  9. Cám ơn anh Nguyên vì một bài viết rất hay. Tôi muốn nhìn anh Vũ khỏe mạnh, tiếp tục đương đầu với bọn gian ác hơn là để chúng có cớ để rêu biếu anh sau này. Đối với đảng và những con người vô cảm theo đảng, mạng người có đáng gì đâu. Những lời hay ý đẹp chúng nói ra chỉ là trò lừa đảo

    RépondreSupprimer
  10. Một lời khuyên vàng ngọc! Vũ hãy vì mọi người, Vì tương lai của dân tộc, Hãy tiết kiệm từng giọt sống để cho bọn sài lang phải chết.

    RépondreSupprimer
  11. Anh Nguyên viết đúng anh Vũ ạ. Muốn làm gì, dú là mọt chuyện nhỏ nhất, anh phài sống. Anh đã sống một cách đúng đắn và dũng cảm, thì cứ tiếp tục sống đi. Mọi người sẽ rất buốn, rất buồn, nếu như anh có mệnh hệ gì.

    RépondreSupprimer
  12. Hehe, nhưng đảng có dạy rằng: Quyết tử để ... Đảng quyết sinh. Đảng là tổ quốc, tổ quốc là đảng mà. Hà Vũ mà chết, đảng còn mừng nữa là đằng khác. Hà Vũ chết thì sẽ bớt một tay chống tham những, chống toàn trị. Chắc chắn là đảng mừng rồi.

    RépondreSupprimer
  13. Tiện thể đọc bài viết của anh Nguyên nên tôi có được nhân chứng sống tin cậy về chế độ lao tù trước 1975 tại miền Nam .
    Tuy là chuyện buồn không thể đùa giởn được , nhưng tôi mỉm cười vì trường hợp anh Cù Hà Huy Vũ là trường hợp hiếm thấy xưa nay ,vì anh là người tù được nhiều người yêu mến nhiều nhất .Trong lịch sử VN anh Vũ là người tù duy nhất được nhiều người yêu cầu " Anh Phải Sống ".Tội nghiệp anh, vì được yêu mà thiên hạ cấm anh không được chết! Anh không còn là cá nhân Vũ nữa mà là người của công chúng,là di sản chung của mọi người, vậy tôi tuy buồn mà cũng có vui và làm tôi cười.
    Ai có xem cái phim vĩ đại nhất của thế kỷ 20 là phim Gandhi , nhà đấu tranh bất bạo động dành độc lập cho Ấn Độ không tốn 1 viên đạn.
    Sau khi dành được chính quyền từ tay người Anh. Ấn và Hồi lại chiến tranh biên giới ! Gandhi rất buồn , quí vị có thể tưởng tượng 1 nhà lãnh đạo vì buồn mà tuyệt thực !Khi Gandhi đang nằm mắt nhắm nghiền vì mệt mõi ,chung quanh là gia đình họ hàng và 1 số viên chức chính phủ, bổng có 1 công dân Ấn Độ tiến tới chổ ông nằm chìa thực phẩm ra và nói lớn ( hình như rất giận)," Ông ăn đi, không được tuyệt thực !!!!. Tôi hồi tưởng câu chuyện trong phim như thế.
    Luôn tiện tôi xin báo cáo lên phát ngôn viên bộ ngoại giao xóm nhà lá Đồ Long rằng, cũng cái tật hay la cà quán cà phê mà tôi nghe được , nếu tin tức nầy mà đáng tin cậy thì ĐL ra thông báo, nếu không có sức thuyết phục thì bỏ qua, đừng nói tôi nhiều chuyện, nên nhớ dù sao tôi cũng chỉ là nhân viên gác cửa cho cô Đồ Long thôi.
    Giờ tôi nói chuyện " Anh Phải Chết"
    Cách đây vài năm ở tp HCM chúng ta thành đoàn có phát động chiến dịch,đoàn viên thành phố học tập nơi cố bí thư thành phố(?) Sài Gòn là ông Hồ Hảo Hớn, như hiện tại chúng ta có tên đường tên của ông.
    Ông hoạt động ngay thành phố và ngoại ô SG, ông như xuất quỉ nhập thần, chính quyền VNCH thời đó ăn ngủ không yên vì ông.Không biết sao CIA Mỹ nó biết được và báo cho chính quyền miền nam bắt sống ông và tạm giam ở SG . Chỉ chưa đầy 1 tuần sau ngày ông bị bắt, ông bị ám sát ngay trong nhà tù đó.
    Những thông tín viên vỉa hè tình nguyện như tôi mới đưa ra những giả định :
    Khi mà Mỹ Ngụy bắt được con cá lớn như ông thì tụi nó hồ hởi phấn khởi lắm .Nó sẽ không đụng tới thể xác lẩn tinh thần của ông. Nó sẽ đưa vợ con ông vào thăm ông liền, không cần phải chờ sau khi khi thi hành án , dĩ nhiên dưới sự giám sát của họ. Nếu cần họ đưa ông đi du lịch ở Đài Loan cho tinh thần ông thỏa mái , vì đây là cái kế quỷ quyệt của ngành tình báo .
    Nên CIA và chính quyền miền nam sẽ cưng ông như cưng trứng ,họ vổ về cho con mồi béo mập để rồi khai thác ,vì bí mật của các chiến sĩ biệt động thành cũng như toàn bộ CS nằm vùng tại SG cũng như miền nam ông là người nắm rõ .Vì vậy nên tổng cục...miền nam ra lệnh cho những đồng chí đang bị nhốt cùng nhà giam với ông phải giết ông, hay những cảnh sát gát nhà tù đó có 1 số là người của ta được móc nối, nhận lệnh và thi hành án ngay . Vì ở trên lo sợ nếu ông không chịu được sự khai thác tinh vi của CIA thì toàn bộ mọi hoạt động của ta sẽ bị tê liệt !
    Nhận định từ vỉa hè là : Ta trên cơ hơn CIA và tình báo Ngụy gấp 100 lần ! Miếng mồi họ gắp sắp bỏ vào miệng mà chúng ta cướp được , tụi CIA Mỹ sẽ vò đầu bức trán. Và suy luận ngược lại bọn họ cũng không ác bằng ta !
    Chào

    RépondreSupprimer
  14. Tác giả có cách nào gửi cho A Hà Vũ được thì quá tốt!

    RépondreSupprimer
  15. Anh Hạ Đình Nguyên viết có lý, có tình
    Anh Phải Sống, anh Hà Vũ ạ.
    Tổ Quốc rất cần anh.
    Nhịn nhục bọn bán nước, để Tổ Quốc thăng hoa.

    RépondreSupprimer
  16. ha dinh nguyen quen rang chet trong tu the do la chien dau cuong quyet nhat, quyet liet nhat voi ca he thong chinh tri, xa hoi, luong tam con nguoi. gio co dang vien cong san nao tren the gioi nay, dam chien dau voi ly tuong manh me nhu the khong?

    RépondreSupprimer
  17. Thế Là Xong16 juin 2013 à 12:18

    Anh Vũ ơi : " Anh cần phải sống , nhiều việc Tổ Quốc đang chờ Anh , nhân dân rất cần Anh , nhiều người chân chính và trung thực kính trọng Anh và yêu quý Anh , Anh ( tùy anh ) nên nghe theo lời khuyên hết sức Chân thành của Anh HĐN-Một người TÙ CHÍNH TRỊ "

    RépondreSupprimer
  18. Ông CHHV tuyệt thực đấu tranh voi một cai ngục,tới chết thi phí quá. Tôi không tin một người trí thức như ông lại cạn nghĩ như thế.Ông chỉ dùng chiến thuật mà thôi.

    RépondreSupprimer